Nhiều người bất ngờ với các khoản thu nhập, nợ thuế khi kiểm tra ứng dụng eTax hoặc làm thủ tục quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân.
Làm hoàn thuế thu nhập cá nhân năm 2021, chị Nguyễn Hồng (Hà Nội) phát hiện bị một công ty lấy mã số thuế cá nhân khai khống thu nhập, phát sinh thuế phải nộp gần 1 triệu đồng. Chị không biết nên khoản này trở thành nợ thuế.
Ngoài nợ gốc, lãi phát sinh 0,03% một ngày, chị Hồng tìm hiểu quy định, nhận thấy có thể phải nộp phạt từ 15-25 triệu đồng do không làm tờ khai quyết toán thuế khi phát sinh hai nguồn thu nhập.
Lo lắng mất khoản tiền không đáng có, chị đã liên hệ với bên công ty kia 2 lần đề nghị bỏ phần thu nhập ra khỏi danh sách kê khai nhưng họ không phản hồi. “Chỉ đến khi tôi soạn đơn, thông báo sẽ gửi công văn tố cáo lên cơ quan thuế, kế toán mới gọi lại, hứa sẽ gỡ tên ra”, chị cho hay.
Năm 2022, Tổng cục Thuế ra mắt ứng dụng eTax, giúp người nộp thuế có thể tra cứu các thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế. Nhiều người khi cài đặt, tra cứu trên ứng dụng này mới phát hiện ra các khoản thu nhập, nợ thuế mà trước đây không biết. Chẳng hạn, anh Vũ Văn Toàn (TP HCM) phát hiện khoản thu nhập 10,9 triệu đồng từ một ngân hàng và hơn 60 triệu đồng từ một công ty truyền thông.
Anh liên hệ phía ngân hàng thì được giải thích đây là khoản thu nhập từ các chương trình trò chơi điện tử (game), khuyến mại. Thừa nhận giai đoạn đó có tham gia các chương trình giới thiệu mở tài khoản nhận hoa hồng nhưng anh khẳng định thu nhập không thể tới 10 triệu đồng.
Song, để tránh phiền hà, anh Toàn chọn giải pháp thỏa hiệp, đề nghị ngân hàng này cung cấp chứng từ thu nhập để làm thủ tục quyết toán thuế. Tuy nhiên, với khoản thu nhập hơn 60 triệu đồng, sau hơn một tuần tìm thông tin, anh vẫn chưa liên hệ được để xác minh khoản thu nhập này.
Thực tế, thời gian qua có trường hợp doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không trả thu nhập thực tế cho cá nhân đó.
Tổng cục Thuế cho biết nguyên nhân có thể do doanh nghiệp thực tế sử dụng lao động đã có mã số thuế nhưng nhập sai một chữ số dẫn đến trùng với cá nhân khác. Hoặc doanh nghiệp cố ý khai khống chi phí lương nhưng thực tế không có người lao động nhằm trốn thuế.
Cơ quan thuế khẳng định nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, họ có đủ công cụ để nhanh chóng phát hiện doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số thuế cá nhân. Khi đó, cán bộ thuế sẽ xác định được vi phạm do nhầm lẫn hay cố tình.
Với trường hợp gian lận, cơ quan thuế cho biết có thể xử lý theo pháp luật về dân sự, hành chính và hình sự. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp khai sai nhưng không giảm số thuế phải nộp hoặc không tăng số được miễn, giảm, hoàn sẽ bị phạt hành chính từ 5-8 triệu đồng.
Ngược lại, doanh nghiệp bị phạt 20% số thuế khai thiếu hoặc số tiền đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn, theo Nghị định 125/2020. Song, nếu họ tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số này trước khi bị cơ quan thuế thanh tra, phát hiện sẽ không bị xử lý.
Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ cho công an để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
“Hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp được lưu vết ít nhất 10 năm, cơ quan thuế có thể lần ra các sai phạm từ đó”, nhà chức trách cho biết, thêm rằng doanh nghiệp lập khống chứng từ không phải lựa chọn khôn ngoan. Họ cũng khuyến cáo người quản lý doanh nghiệp cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế khuyến cáo mọi người cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân. Trường hợp phát hiện mã số thuế bị lợi dụng, đánh cắp hoặc bị tính thuế thu nhập khống, người dân cần thông tin cho cơ quan thuế để kiểm tra, xác minh xử lý.
Ngoài bị kê khống thu nhập, nhiều người nợ thuế do không kiểm soát đúng, đủ các khoản thu nhập của cá nhân. Một số trường hợp không quyết toán thuế nên không biết được cá nhân phải nộp thêm tiền, dẫn tới nợ thuế.
Hàng năm, anh Hà Sơn (Hà Nội) vẫn uỷ quyền để cơ quan đi quyết toán thuế thay. Năm 2022, anh có thêm một khoản thu nhập từ hoa hồng từ môi giới bất động sản ở một công ty khác. Khi quyết toán, cơ quan không kê khai khoản này, dẫn đến anh vừa phải nộp bổ sung (bị truy thu) gần 90 triệu đồng do kê khai thiếu thu nhập phải nộp thời điểm đó.
Chị Nguyễn Minh Tâm (TP HCM) chia sẻ lại câu chuyện từng bất ngờ khi biết bản thân bị ghi nhận nợ thuế thu nhập cá nhân. Năm 2015, công ty không đứng ra quyết toán thuế cho chị với lý do cá nhân. Số tiền thuế cần nộp thêm tại thời điểm là hơn 2 triệu đồng nhưng tới cuối 2019, chị mới phát hiện. Sau đó, chị đã lên cơ quan thuế để nộp tờ khai, đóng khoản nợ thuế này.
Tuy nhiên, năm ngoái, khi tra trên app eTax, hệ thống vẫn hiển thị khoản tiền phạt chậm nộp từ năm 2015-2019. Khoản này ban đầu chỉ hơn 10.000 đồng nhưng tăng lên theo thời gian, lên tới cả triệu đồng sau 4 năm. Chị Tâm nói không nhận được thông tin trong khi cơ quan thuế trả lời đã thông báo về công ty cũ. Sau đó, chị vẫn nộp đủ số tiền này bởi không muốn ảnh hưởng tới lịch sử tín dụng của cá nhân.
Anh Thành Nguyễn, một người chuyên cung cấp dịch vụ kế toán, cho hay cá nhân không có người phụ thuộc, nếu thu nhập dưới 132 triệu đồng một năm có thể làm thủ tục hoàn thuế nộp dư. Còn trên mức này sau khi trừ thuế, cá nhân đó có thể kiểm tra trên eTax để biết nộp thừa hoặc thiếu bao nhiêu. Với người có phụ thuộc, thu nhập được khấu trừ thuế có thể thêm 52,8 triệu đồng năm với mỗi người phụ thuộc thêm.
Theo anh Thành, những người làm nghề tự do (freelancer) gần như không biết về vấn đề nợ thuế hay hoàn thuế thu nhập cá nhân. Trong khi, những người làm cố định trong một cơ quan, tổ chức nhưng có thêm các nguồn thu nhập bên ngoài cũng thường gặp trường hợp này.
Cơ quan thuế khuyến cáo người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax mobile trên điện thoại thông minh và tra cứu thông tin về các nguồn thu nhập trên ứng dụng này để tự đảm bảo kiểm soát đầy đủ, chính xác các nguồn thu nhập của bản thân. Ngoài ra, những người không thuộc diện công ty kê khai thuế hoặc có từ 2 nguồn thu nhập trở lên trong năm phải hoàn thành kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân đúng hạn hàng năm.
Theo Luật Quản lý thuế, hàng năm vào tháng 3-4, người nộp thuế cần thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Thông thường, thời hạn quyết toán với bên chi trả thu nhập là ngày cuối cùng của tháng 3; với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là cuối tháng 4. Năm nay, do trùng ngày chủ nhật và nghỉ lễ, thời hạn này được đẩy lùi lại lần lượt vào ngày 1/4 và 2/5.
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
Điểm chất lượng 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.