Sau đây là một số điểm mới nổi bật tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 04/01/2021) so với quy định cũ tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP:
1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021 thì mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
(Hiện hành tại Nghị định 78/2015 không đề cập đến vấn đề này).
2. Các trường hợp cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 01/2021 thì cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng là việc cấp đăng ký doanh nghiệp không thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng được áp dụng khi xảy ra một hoặc một số trường hợp sau đây:
+ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp;
+ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp gặp sự cố kỹ thuật;
+ Chiến tranh, bạo loạn, thiên tai và trường hợp bất khả kháng khác.
(Hiện hành tại Nghị định 78/2015 không đề cập đến vấn đề này).
3. So với quy định tại Điều 13 Nghị định 78/2015 thì Nghị định 01/2021 không còn quy định “Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.“
4. Doanh nghiệp được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp nếu không được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 3 Nghị định 01/2021 thì việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (hiện hành tại Nghị định 78/2015 và Nghị định 108/2018 không đề cập vấn đề này).
5. Quy định mới về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
– Điều 86 Nghị định 01/2021 quy định về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
“1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”
– Điều 72 Nghị định 78/2015 quy định về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
“Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.”
6. Không hạn chế thời gian tạm ngừng kinh doanh đối với hộ kinh doanh
Khoản 1 Điều 76 Nghị định 78/2015 quy định trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm.
Tuy nhiên, Nghị định 01/2021 không còn quy định hạn chế “Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm.” nữa.
7. Điểm mới trong Thông báo chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Nghị định 01/2021 thì khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký, kèm theo thông báo phải có các giấy tờ sau đây:
– Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
(Quy định cũ tại Điều 77 Nghị định 78/2015 không quy định rõ các giấy tờ phải nộp kèm theo Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh).
8. Quy định rõ các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Điều 41 Nghị định 01/2021 quy định các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
– Tạm ngừng kinh doanh;
– Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký;
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế;
– Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập;
– Đang làm thủ tục phá sản;
– Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại;
– Đang hoạt động.
(Nghị định 78/2015 không có quy định rõ về các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp).
9. Thêm trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 77 Nghị định 01/2021 thì chi nhánh, văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong các trường hợp sau đây:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện là giả mạo;
– Chi nhánh, văn phòng đại diện ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế;
– Theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
(Theo quy định cũ tại Khoản 3 Điều 60 Nghị định 78/2015 thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp chỉ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong trường hợp ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.).
10. Thêm trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định 01/2021 thì doanh nghiệp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
– Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
– Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.
(Khoản 1 Điều 56 Nghị định 78/2015 không quy định trường hợp Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”).
Đại lý thuế H.A.T :” An tâm về thuế, vững bước kinh doanh”
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
Điểm chất lượng 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.