5 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế
Thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và để giảm thiểu thủ tục hành chính cho người nộp thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định 5 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế:
– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.
– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.
– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin do ngân hàng cung cấp
Khoản 2 Điều 30 quy định, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: Tên chủ tài khoản; Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp; Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 5/12/2020.
Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.
Không được xóa nợ số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước
Căn cứ quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì người nộp khoản thu khác vào ngân sách nhà nước được xoá nợ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế, trừ khoản thu về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
Hồ sơ, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết hồ sơ xoá nợ thực hiện theo quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 của Luật Quản lý thuế.
Như vậy, người nộp thuế sẽ không được xóa nợ số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Các trường hợp không phải khai quyết toán thuế TNCN
Căn cứ Điểm d.3 Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì cá nhân có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế, trừ các trường hợp sau đây:
– Cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống (mới);
– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;
– Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập này (mới).
Hướng dẫn chi tiết về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
Đối với việc phân bổ nghĩa vụ thuế trong trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính nhưng có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính, tại Khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 quy định, người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở.
Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, để bảo đảm cơ sở cho việc thực hiện phân bổ nghĩa vụ thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định về khai thuế trong trường hợp này như sau: Người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có quy định nội dung khai thuế này sẽ được thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành.
Quy định cụ thể về khai, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán
Về khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, tại điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định, đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại…
Cụ thể, thay vì cá nhân tự khai thì quy định tổ chức có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn.
Như vậy, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chỉ thay đổi chủ thể khai, và nộp thuế TNCN (từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn).
Số thuế TNDN tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% số thuế cả năm
Về tạm nộp thuế TNDN 3 quý, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có quy định đối với thuế TNDN, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp theo quý và quyết toán thuế theo năm. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế TNDN theo quý.
Theo đó, tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.
Trong trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế
Tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định rõ các tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế.
Việc khai thuế GTGT sẽ được tổ chức có trách nhiệm thực hiện đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh.
Đối với trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
Điểm chất lượng 0 / 5. Số phiếu bầu: 0
Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.