Chuyên mục
Tin tức

Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán không chịu thuế GTGT

Ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

Theo đó, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 Cụ thể bao gồm:

a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:

– Cho vay;

– Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;

– Bảo lãnh ngân hàng;

– Cho thuê tài chính;

– Phát hành thẻ tín dụng.

Trường hợp tổ chức tín dụng thu các loại phí liên quan đến phát hành thẻ tín dụng thì các khoản phí thu từ khách hàng thuộc quy trình dịch vụ cấp tín dụng (phí phát hành thẻ) theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng như phí trả nợ trước hạn, phạt chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay và các khoản phí khác thuộc quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Các khoản phí giao dịch thẻ thông thường không thuộc quy trình cấp tín dụng như phí cấp lại mã pin cho thẻ tín dụng, phí cung cấp bản sao hoá đơn giao dịch, phí đòi bồi hoàn khi sử dụng thẻ, phí thông báo mất cắp, thất lạc thẻ tín dụng, phí huỷ thẻ tín dụng, phí chuyển đổi loại thẻ tín dụng và các khoản phí khác thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

– Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

– Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:

+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn GTGT.

Trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi tổ chức tín dụng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì tổ chức tín dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

Ví dụ 3: Tháng 3/2015, Doanh nghiệp A là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp dây chuyền, máy móc thiết bị để vay vốn tại Ngân hàng B, thời gian vay là 1 năm (hạn trả nợ là ngày 31/3/2016). Đến ngày 31/3/2016, Doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho Ngân hàng B thì khi bàn giao tài sản, Doanh nghiệp A không phải lập hóa đơn. Ngân hàng B bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thì tài sản bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ví dụ 3a: Tháng 12/2014, Doanh nghiệp B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng thương mại C, thời gian vay là 1 năm, hạn trả nợ là ngày 15/12/2016, Ngân hàng thương mại C và Doanh nghiệp B có đăng ký giao dịch bảo đảm (thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất) với cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 15/12/2016, Doanh nghiệp B không có khả năng trả nợ và Ngân hàng thương mại C có văn bản đồng ý giải chấp để Doanh nghiệp B được bán nhà xưởng để trả nợ ngân hàng, tháng 1/2017, doanh nghiệp B bán nhà xưởng để trả nợ Ngân hàng thì nhà xưởng bán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

– Dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng do đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng nhà nước cung cấp cho các tổ chức tín dụng để sử dụng trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ 4: Tổ chức X là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng. Năm 2014, tổ chức X ký hợp đồng cung cấp thông tin tín dụng cho một số ngân hàng thương mại phục vụ hoạt động cấp tín dụng và phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại thì doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại không theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.

– Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.

Ví dụ 5: Công ty cổ phần VC có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần VC ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần VC nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch chứng khoán.

d) Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 6: Tháng 4/2014, Công ty TNHH A góp vốn bằng máy móc, thiết bị để thành lập Công ty cổ phần B, giá trị vốn góp của Công ty TNHH A được Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn định giá là 2,5 tỷ đồng, bằng 25% số vốn của Công ty cổ phần B. Tháng 11/2014, Công ty TNHH A bán phần vốn góp tại Công ty cổ phần B cho Quỹ Đầu tư ABB với giá 4 tỷ đồng thì số tiền 4 tỷ đồng Công ty TNHH A thu được là doanh thu chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

đ) Bán nợ;

e) Kinh doanh ngoại tệ;

g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hóan đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; các dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;

h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán không chịu thuế GTGT. Để nắm rõ nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Đại lý thuế HAT

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh

Chuyên mục
Tin tức

Kinh phí công đoàn công ty có được sử dụng trong việc tổ chức tiệc cuối năm cho toàn thể nhân viên không?

Kinh phí công đoàn có phải là một trong những nguồn thu của tài chính công đoàn hay không? Trong trường hợp công ty tôi nếu chưa có công đoàn cơ sở thì có phải tham gia đóng kinh phí công đoàn hay không? Ngoài ra, tôi muốn biết kinh phí công đoàn công ty có được sử dụng trong việc tổ chức tiệc cuối năm cho toàn thể nhân viên không?

Kinh phí công đoàn có phải là một trong những nguồn thu của tài chính công đoàn hay không?
Căn cứ Điều 26 Luật Công đoàn 2012 có quy định về nguồn tài chính công đoàn như sau:

“Điều 26. Tài chính công đoàn
Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;
4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.”
Căn cứ quy định trên, có thể thấy kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trong những nguồn thu tài chính công đoàn.

Doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở có phải tham gia đóng kinh phí công đoàn hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về đối tượng đóng kinh phí công đoàn cụ thể như sau:

“Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn
Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
5. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
6. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.”
Như vậy, đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm những tổ chức theo quy định trên, trong đó có doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

Kinh phí công đoàn công ty có được sử dụng trong việc tổ chức tiệc cuối năm cho toàn thể nhân viên không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Công đoàn 2012 về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn như sau:

“Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
[…]
2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
m) Các nhiệm vụ chi khác.”
Căn cứ tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Quy định cụ thể ban hành kèm theo Quyết định 4290/QĐ-TLĐ năm 2022 về chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao như sau:

“Điều 6. Chi tài chính tại công đoàn cơ sở
[…]
2. Chi tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động
[…]
2.4. Chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao.
– Chi hỗ trợ hoạt động phong trào xây dựng đơn vị văn hóa; phòng chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động; chi hỗ trợ cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; chi khen thưởng tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội của công đoàn cơ sở.
– Chi hỗ trợ mua sắm phương tiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
– Chi bồi dưỡng cho Ban tổ chức, vận động viên, diễn viên tham gia hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao do công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp trên cơ sở tổ chức; chi khen thưởng tập thể, cá nhân đạt giải trong các cuộc hội diễn, hội thao do công đoàn cơ sở tổ chức.”
Theo đó, việc sử dụng kinh phí công đoàn trong việc tổ chức tiệc cuối năm cho toàn thể nhân viên là không thuộc trường hợp được chi.

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng kinh phí công đoàn thì có thể đưa vào chi hoạt động văn hóa hoặc cho phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức theo quy định nêu trên.

Đại lý thuế HAT

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh

Chuyên mục
Tin tức

Từ 1/7/2023, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi thế nào?

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/7/2023, tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ thay đổi.

Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Theo Khoản 3 Điều 29 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được tính như sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% * Mức lương cơ sở

Theo đó, lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.

Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi

Điều 38 Luật BHXH quy định: “Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con”.

Từ 1/7/2023, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng sẽ là 3,6 triệu đồng cho mỗi con.

Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Theo khoản 3 Điều 41 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản của lao động nữ được tính như sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% * Mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 1/7/2023 là 540.000 đồng/ngày.

Mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% sẽ được nhận trợ cấp 1 lần.

Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Trong đó, mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm lao động được xác định như sau:

Trợ cấp = 5 * Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động – 5) * 0,5 * Mức lương cơ sở

Như vậy, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng từ 7,45 triệu đồng lên 9 triệu đồng nếu suy giảm 5% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 900.000 đồng.

Mức trợ cấp hàng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn lao động,bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH. Trong đó, mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm lao động được xác định như sau:

Trợ cấp/tháng = 30% * Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động – 31) * 2% * Mức lương cơ sở

Với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 36.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì được hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng mức lương cơ sở.

Do vậy, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp phục vụ cũng sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.

Mức dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà quay trở lại làm việc, trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 – 10 ngày.

Mức hưởng dưỡng sức sau điều trị mỗi ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật sẽ tăng từ 447.000 đồng/ngày lên thành 540.000 đồng/ngày.

Mức trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần như sau:

Trợ cấp 1 lần = 36 * Mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp này sẽ tăng từ 53,64 triệu đồng lên thành 64,8 triệu đồng.

Trợ cấp mai táng

Theo Điều 66 Luật BHXH năm 2014, người lao động đang tham gia BHXH, đang bảo lưu quá trình đóng, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chết thì thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng như sau:

Trợ cấp mai táng = 10 * Mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp mai táng sẽ tăng từ 14,9 triệu đồng lên thành 18 triệu đồng.

Trợ cấp tuất hàng tháng

Điều 68 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức trợ cấp tuất hàng tháng như sau:

– Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng mỗi tháng sẽ được nhận khoản trợ cấp bằng 70% mức lương cơ sở.

– Các trường hợp còn lại mỗi tháng sẽ nhận được khoản trợ cấp bằng 50% mức lương cơ sở.

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp tuất hàng tháng tăng từ 1,043 triệu đồng/tháng lên thành 1,26 triệu đồng/tháng đối với thân nhân không có người nuôi dưỡng.

Mức trợ cấp của các trường hợp còn lại sẽ tăng lên 900.000 đồng/tháng.

Theo VGP

Đại lý thuế HAT

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh

Chuyên mục
Tin tức

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hay không? Các mức thuế suất 0%, 5% và 10% có áp dụng đối với dịch vụ tư vấn pháp luật không?

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị giá tăng không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 về đối tượng không chịu thuế như sau:

“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
đ) Bán nợ;
e) Kinh doanh ngoại tệ;
g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.”
Như vậy, đối chiếu với các khoản nêu trên thì dịch vụ tư vấn pháp luật không thuộc loại dịch vụ không chịu thuế.

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc đối tượng không chịu thuế không?

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc đối tượng không chịu thuế không?

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc diện hưởng mức thuế suất 0% không?
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 quy định về thuế suất

– Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:

+ Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;

+ Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;

+ Dịch vụ cấp tín dụng;

+ Chuyển nhượng vốn;

+ Dịch vụ tài chính phái sinh;

+ Dịch vụ bưu chính, viễn thông;

+ Sản phẩm xuất khẩu quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. (Điểm này được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016)

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc diện hưởng mức thuế suất 5% không?

Theo khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1; khoản 2 Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013, cụ thể:

– Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

+ Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;

+ Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;

+ Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;

+ Sản phẩm trồng trọt,chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;

+ Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;

+ Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;

+ Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;

+ Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;

+ Thiết bị, dụng cụ y tế, bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;

+ Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;

+ Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;

+ Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 của Luật này;

+ Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

+ Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở.

Dịch vụ tư vấn pháp luật có thuộc mức thuế suất 10% không?

Cũng theo khoản 3 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 có quy định:

“Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều này được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định như sau:

“Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.
Ví dụ 50: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.
Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.
Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có trường hợp mức thuế giá trị gia tăng tại Biểu thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất.”

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì dịch vụ tư vấn pháp luật cũng không thuộc diện thuế 0% hay 5%. Do đó, dịch vụ này áp dụng mức thuế suất 10%.

Đại lý thuế HAT

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh