Chuyên mục
Tin tức

Trường hợp nào không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào mà NLĐ không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?

Hỏi : Công ty thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội full lương cho tôi; tuy nhiên, mới đây công ty thông báo vì lương của tôi cao (cụ thể 45 triệu đồng/tháng) không thể đóng full lương được. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp nào mà NLĐ không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?

1. Trường hợp nào người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội full lương?

Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Theo quy định nêu trên, trường hợp tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội full lương mà chỉ đóng bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, quy định về mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2023 như sau:

Điều 3. Mức lương cơ sở

2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

Theo đó, nếu lương của bạn là 45 triệu đồng/tháng (cao hơn 20 lần mức lương cơ sở) thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật của bạn là 36 triệu đồng.

2. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bao gồm những khoản nào?
Theo hướng dẫn tại khoản 3.2 Mục 3 Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bao gồm:

– Tiền lương do Nhà nước quy định:

+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do nhà nước quy định bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

– Tiền lương do đơn vị quyết định:

+ Mức lương ghi trong hợp đồng lao động;

+ Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự;

+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thực hiện từ 01/01/2018.

3. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Theo hướng dẫn tại khoản 4 Mục 3 Công văn 1952/BHXH-TST năm 2023, phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

– Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng bảo hiểm xã hội trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

– Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán đăng ký phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 6 tháng một lần: chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Lưu ý: Khi lập ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền đơn vị phải ghi đầy đủ 3 tiêu chí gồm tên đơn vị, mã đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội và nội dung nộp tiền.

Đại lý thuế H.A.T

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh

Chuyên mục
Tin tức

Chống thất thu thuế từ việc triển khai hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Việc triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cho là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trốn thuế hoặc kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, đảm bảo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Việc phải xuất hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu từ ngày 1/7/2022 trên toàn quốc, nên với mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ.
Việc phải xuất hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu từ ngày 1/7/2022 trên toàn quốc, nên với mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ.

Tăng cường quản lý giám sát

Việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử được quy định trong Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Đối với việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, ngành Thuế tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ áp dụng xuất hóa đơn điển tử cho từng lần bán hàng. Việc triển khai hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng có những khó khăn nhất định như chi phí, thói quen người tiêu dùng. Ghi nhận thực tế cho thấy, người đi xe máy chưa có thói quen lấy hóa đơn mỗi lần mua xăng.

Tổng cục Thuế cho biết, có tình trạng doanh nghiệp cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày, hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng… Thậm chí, bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách.

Để ngăn chặn hành vi này, việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng xăng dầu được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Theo đó, cần triển khai ngay giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách theo từng lần bán.

Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, ngày 13/11 vừa qua, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương rà soát, nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã đề nghị các đơn vị phải giám sát chặt chẽ việc phát hành hóa đơn, sử dụng hóa đơn đối với xăng dầu, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định.

Ngăn chặn tình trạng trốn thuế, kinh doanh xăng dầu lậu

Có thể thấy, việc phải xuất hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu từ ngày 1/7/2022 trên toàn quốc, nên với mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ. Việc phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trực tuyến với cơ quan thuế là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế hoặc kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, đảm bảo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trước lo ngại của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về việc phát sinh chi phí khi xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán lẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xăng dầu bán lẻ vẫn có thể in xé hóa đơn bán hàng ngay lập tức cho khách sau khi đổ xăng như mua hàng tại siêu thị, cửa hàng giày dép, áo quần, quán cà phê…

“Quan trọng là có phần mềm kết nối để cơ quan thuế biết mỗi ngày, cửa hàng đó xuất bao nhiêu hóa đơn bán hàng và tổng lượng hàng bán ra thế nào. Số liệu nhập vào, bán ra phải khớp theo dữ liệu điện tử… Việc theo dõi giám sát này thể hiện trên phần mềm quản lý chứ sao có chuyện tuyển thêm nhân viên để nhập mã số định danh ông A mua bao nhiêu xăng được?”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo vị chuyên gia này, rõ ràng Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu là bước tiến mới quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những khúc mắc mà chưa giải quyết triệt để. Vấn đề quan trọng nhất đó là Nhà nước vẫn coi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược mà Nhà nước phải quản lý, do đó, việc quản lý phải rất cụ thể, tỉ mỉ giúp thị trường trở nên công khai, minh bạch. Để làm được điều này, cần thiết phải áp dụng được hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế. Khi đó, lượng nhập vào, bán ra, lượng tồn sẽ rõ ràng. Tính công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng, chống hàng giả, hàng nhái cũng sẽ rõ ràng.

Hiện quy định này cũng đang nhận được sự ủng hộ của người dân với kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng xăng dầu kém chất lượng cũng như các mánh khóe gian lận cắt giảm lượng xăng đầu khi mua tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ.

Nguồn : Tạp Chí Tài Chính

Đại lý thuế H.A.T

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh

Chuyên mục
Tin tức

PHƯƠNG PHÁP NHẬN DẠNG CÁC KHOẢN CHÊNH LỆCH TẠM THỜI

 

PHƯƠNG PHÁP NHẬN DẠNG CÁC KHOẢN “CHÊNH LỆCH TẠM THỜI” KHI XÁC ĐỊNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HOÃN LẠI

Khi Luật kế toán được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004, kèm theo đó Bộ Tài Chính đã ban hành Quyết định 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/2/2005 công bố nội dung Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 “Thuế thu nhập doanh nghiệp” (VAS-17), Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn chi tiết nội dung kế toán của VAS-17 và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 về chế độ kế toán doanh nghiệp đã tạo hành lang pháp lý cho công tác kế toán về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trở nên hoàn thiện hơn.

Khi đó, việc xác định số thuế TNDN để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước được thực hiện theo Luật thuế TNDN còn việc kế toán ghi nhận và trình bày thông tin về thuế TNDN trên báo cáo tài chính được thực hiện theo khuôn khổ pháp lý nêu trên. Tuy nhiên, giữa cơ sở pháp lý qui định cho kế toán trong việc ghi nhận doanh thu, chi phí trên sổ kế toán và những qui định về ghi nhận doanh thu, chi phí để xác định thu nhập tính thuế theo Luật thuế TNDN có những khác biệt nhất định. Chính vì vậy, giữa lợi nhuận kế toán trước thuế và Thu nhập tính thuế TNDN của năm tài chính sẽ có phát sinh chênh lệch. Khoản chênh lệch này được chia làm 2 loại: “Chênh lệch tạm thời” và “Chênh lệch vĩnh viễn”.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra phương pháp nhận dạng các khoản “Chênh lệch tạm thời” nhằm giúp người làm kế toán tại doanh nghiệp nhận dạng các khoản chênh lệch này thuận lợi và dễ dàng hơn.

1. Hướng dẫn việc xác định các khoản chênh lệch tạm thời và chênh lệch vĩnh viễn theo qui định hiện hành:
Theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn việc nhận dạng và xác định các khoản chênh lệch này như sau:
a/ Nhận dạng các khoản chênh lệch:
– Các khoản chênh lệch tạm thời: là chênh lệch phát sinh do sự khác biệt về thời điểm doanh nghiệp ghi nhận thu nhập hoặc chi phí và thời điểm pháp luật về thuế quy định tính thu nhập chịu thuế hoặc chi phí được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế.
– Các khoản chênh lệch vĩnh viễn: là chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế phát sinh từ các khoản doanh thu, thu nhập khác, chi phí được ghi nhận vào lợi nhuận kế toán nhưng lại không được tính vào thu nhập, chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

b/ Xác định các khoản chênh lệch:
* Xác định “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”
– Chênh lệch tạm thời chịu thuế: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. Chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh khi:
+ Giá trị ghi sổ của tài sản lớn hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó;
+ Giá trị ghi sổ của nợ phải trả nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó.
– Xác định giá trị các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế:
+ Đối với tài sản: Chênh lệch tạm thời chịu thuế là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản lớn hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó.
+ Đối với nợ phải trả: Chênh lệch tạm thời chịu thuế là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả nhỏ hơn cơ sở tính thuế của khoản nợ phải trả đó.
* Xác định các khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”
– Chênh lệch tạm thời được khấu trừ: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh các khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. Chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh khi:
+ Giá trị ghi sổ của tài sản nhỏ hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó;
+ Giá trị ghi sổ của nợ phải trả lớn hơn cơ sở tính thuế của nó.
– Xác định giá trị các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ:
+ Đối với tài sản: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản nhỏ hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó.
+ Đối với nợ phải trả: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả lớn hơn cơ sở tính thuế của khoản nợ phải trả đó.

2. Đề xuất phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời
Tuy nhiên trong quá trình nhận dạng các khoản “chênh lệch” theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài Chính mang tính trừu tượng làm cho người làm kế toán tại doanh nghiệp khó nhận dạng đâu là chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ để phản ánh và trình bày trên báo cáo tài chính trung thực và hợp lý hơn.
Tác giả xin đề xuất phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch này dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp như sau:
+ Theo Luật kế toán, chuẩn mực kế toán (Quan điểm của kế toán):
Kết quả kinh doanh trong một năm tài chính của doanh nghiệp được xác định như sau:

Xác định kết quả kinh doanh
+ Theo qui định của Luật thuế TNDN (Quan điểm của Thuế):
Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp được xác định như sau:

Xác định thuế TNDN

+ Phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch:
a/ Phương pháp nhận dạng theo định tính (theo ý nghĩa kinh tế):
– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại gánh nặng hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”.
– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại giảm nhẹ hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”.

b/ Phương pháp nhận dạng theo định lượng (theo kết quả hoạt động):
– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế < (nhỏ hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”. Trường hợp này xảy ra khi:
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) < Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) > Chi phí (Thuế);
– Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế > (lớn hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”. Trường hợp này xảy ra khi:
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) > Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) < Chi phí (Thuế).
Tại doanh nghiệp, khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh căn cứ theo chứng từ, kế toán dùng phương pháp trên để nhận dạng và xác định được các khoản chênh lệch tạm thời phát sinh giữa Kế toán và Thuế. Sau đó, kế toán sẽ xác định thuế TNDN hoãn lại như sau:

Tài sản thuế hoãn lại

– Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Tài sản thuế hoãn lại” phát sinh như sau:
Nợ TK 243 “Tài sản thuế hoãn lại”
Có TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”

Thuế hoãn lại phải trả

– Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Thuế hoãn lại phải trả” phát sinh như sau:
Nợ TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”
Có TK 347 “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”

– Tiếp theo sau đó, kế toán theo dõi và tính toán số hoàn nhập “Tài sản thuế hoãn lại” và “Thuế hoãn lại phải trả” trong tương lai. Bút toán hoàn nhập này sẽ được ghi ngược lại với bút toán ghi nhận tại thời điểm phát sinh.

Tóm lại, mỗi ngày người làm kế toán phải xử lý rất nhiều nghiệp vụ phát sinh tại doanh nghiệp mình; Ngoài việc xem xét, kiểm tra, ghi nhận cho phù hợp với Luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành mà còn phải kiểm tra, xem xét tính phù hợp và tuan thủ theo pháp luật Thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều nên việc nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời giữa kế toán và Thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 rất khó khăn và dễ bị nhầm lẫn. Tác giả hy vọng rằng, với phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời nêu trên sẽ giúp cho những người làm công tác kế toán tại doanh nghiệp khi có nghiệp vụ phát sinh sẽ dễ dàng nhận dạng ra là nghiệp vụ nào có gây ra chênh lệch tạm thời giữa Thuế và kế toán hay không? Và không bị nhầm lẫn khoản chênh lệch tạm thời này là Chênh lệch tạm thời được khấu trừ hay Chênh lệch tạm thời chịu thuế. Như vậy, giúp cho việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ trung thực và hợp lý hơn.

Trích bài viết của TS Bùi Công Khánh

Đại lý thuế H.A.T

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh