Chuyên mục
Tin tức

Quy định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày 30/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế

Dự thảo quy định bổ sung trách nhiệm khai thuế thay, nộp thay cho cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn của các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Theo đó, đối với hàng hóa, dịch vụ được bán thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) để khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.

Đối với hàng hóa, dịch vụ được bán không thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn thì tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) trên cơ sở sự ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật dân sự và người bán là cá nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cho chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ DNNCN (Tổng cục Thuế), xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế.

Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.

Đồng thời, mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ,… đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi, đầy đủ.

Đồng bộ với quy định của pháp luật về TMĐT

Triển khai đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021, Tổng cục Thuế đã triển khai thu thập thông tin, tài liệu tại một số sàn giao dịch TMĐT.  Qua kiểm tra thực tế thì cơ bản sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thông qua sàn.

Tại Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015 đã quy định các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, trong đó có các nhiệm vụ và quyền hạn sau: (i) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật (Điều 6), (ii) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh (Điều 7, trong đó Chính phủ được quyền quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền); (iii) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế (Điều 8, trong đó Chính phủ được quyền quyết định chính sách cụ thể về tài chính).

Tại khoản 4 Điều 151 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 quy định: “Căn cứ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, Chính phủ quy định việc áp dụng quy định quản lý khoản thu về thuế của Luật này để quản lý thu đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước và quy định về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.”

Về việc khai thuế thay, nộp thuế thay đã được quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT như quy định tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, để đồng bộ với quy định của pháp luật về TMĐT, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT nhằm chống thất thu NSNN, việc bổ sung quy định trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT tại Nghị định về quản lý thuế như là biện pháp điều hành của Chính phủ được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin

Tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng đã có quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thì vẫn chưa có quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin.

Vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế.

Cụ thể: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: Tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu chủ sở hữu sàn không thực hiện khai thay, nộp thay thuế cho người bán).

Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.”

Các thông tin do chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp được đánh giá là quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT. Vì vậy, để triển khai việc yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thì việc bổ sung tại Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có sở pháp lý thực hiện thống nhất là cần thiết.

Hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT

Trước đó, ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về TMĐT đã đưa ra các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT gồm có 4 hình thức: (a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; (b) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; (c) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; (d) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó). Trên các Website của từng hình thức sàn giao dịch TMĐT nêu trên có hoặc không có “chức năng đặt hàng trực tuyến”.

Đồng thời, tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bổ sung quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có quy định chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm: (i) thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT; (ii) là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; (iii) lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; (iv) liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.

Chuyên mục
Tin tức

Ngành Thuế kiên quyết đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng

Theo Tổng cục Thuế, việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu là thủ đoạn đã được ngành Thuế nhận diện và đấu tranh quyết liệt.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT đã được ngành Thuế nhận diện và triển khai đấu tranh ngăn chặn. Có thể kể đến như việc các doanh nghiệp trực tiếp hoàn thuế GTGT (gọi tắt là F0) tiến hành với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, có tổ chức.

Theo đó, các doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu như việc ký kết hợp đồng giữa F0 với các doanh nghiệp trung gian (gọi tắt là F1, F2, F3…) được diễn ra tại các địa phương, hàng hóa mua bán qua nhiều khâu trung gian, diễn ra lòng vòng, giao dịch thanh toán qua ngân hàng và được các đối tượng giao dịch chuyển khoản và rút tiền mặt ngay trong ngày. Trong đó, một thủ đoạn là các doanh nghiệp F1, F2, F3… được các đối tượng thành lập trong thời gian ngắn và di chuyển địa điểm liên tục hoặc không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh…

Điển hình, đã có một số trường hợp gian lận trong hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn và Cục Thuế các tỉnh này đã ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp là 278,36 tỷ đồng, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

Để đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế GTGT, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như hoàn thiện cơ chế chính sách về hoàn thuế GTGT, tăng cường rà soát các trường hợp có rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trước và sau hoàn thuế GTGT. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng theo dõi kết quả xác minh hóa đơn giữa các cơ quan Thuế theo hướng điện tử, gắn chữ ký số, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan Thuế thực hiện… 

Theo đó, lũy kế từ đầu năm 2022, ngành Thuế đã thực hiện được 4.031 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 362,594 tỷ đồng. Tổng cục Thuế khẳng định, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế GTGT thông qua việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT.

Tập trung triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế

Cùng với việc đấu tranh chống gian lận trong hoàn thuế GTGT nói riêng các hành vi gian lận về thuế nói chung, từ đầu năm đến nay, ngành Thuế cũng đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương :

Thứ nhất, kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan chức năng khác theo quy định. 

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo qui định.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao, đặc biệt với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản…

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Thứ năm, thực hiện rà soát, phân tích rủi ro và tiến hành thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. 

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện 41,96 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu vào NSNN khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,27 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 28,66 nghìn tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/08/2022). Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị tăng thu góp phần vào hoàn thành thu NSNN và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế, ngăn chặn vi phạm và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.

Source: tapchikinhte.vn

Đại lý thuế H.A.T

An tâm về thuế. Vững bước kinh doanh